Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Lê Đình Thơm, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp, cùng đại diện một số cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh, huyện; UBND các huyện, thành phố; các đơn vị lực lượng vũ trang và các chủ rừng lớn trên địa bàn tỉnh tới dự.
Theo báo cáo, qua mội năm thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày được nâng cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã đồng bộ vào cuộc quyết liệt; do vậy, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh như tình hình vi phạm pháp luật về rừng ngày càng giảm dần; cụ thể, năm 2018, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 116 vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; so với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm giảm 310 vụ (tương đương 73%); khối lượng gỗ vi phạm giảm 70 m3 (tương đương 46%). Cùng với đó, nghề rừng đã tạo ra việc làm, có thu nhập ổn định cho người dân địa phương, nhất là các huyện miền núi; hiệu quả và thu nhập từ kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân miền núi; công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được tăng cường, đã đưa một số giống mới vào trồng rừng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại sau: Diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ chủ yếu là rừng nghèo kiệt, chất lượng rừng thấp, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm; do vậy, vẫn còn một số hộ gia đình, cá nhân cố tình phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng kinh tế. Cháy rừng vẫn diễn biến hết sức phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao ở hầu hết các vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là dãy núi Nham Biền; việc điều tra đối tượng gây cháy rừng còn hạn chế. Tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, nhất là tranh chấp giữa người dân địa phương và các Công ty Lâm nghiệp còn xảy ra...
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện các địa phương, đơn vị, Công ty Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp, tham gia thảo luận xoay quanh công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững.
Kết luận Hội nghị đồng chí Dương Văn Thái đã biểu dương các địa phương và các tổ chức, cá nhân có sự tập trung cao, đạt kết quả và thành tích tốt trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trong năm qua. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đề nghị các sở, ban, ngành thành viên BCĐ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các lực lượng chức năng và các chủ rừng tập chung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 12/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 31/01/2018 về thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổ chức triển khai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nội dung của Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Hai là, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp trong công tác bảo vệ rừng; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có; phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá rừng, đốt rừng; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng của chủ rừng và cấp ủy chính quyền cơ sở, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; không để xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế và chuyển sang mục đích khác. Hàng năm, lấy kết quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là tiêu chí để căn cứ phân loại đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trên địa bàn vi phạm hoặc để người thân thích vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt, tập trung cao cho công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2019, trọng tâm là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Cùng với đó, đồng chí Dương Văn Thái đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng các cơ quan, đơn vị, chủ rừng; cụ thể:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Chủ động xây dựng, tham mưu kế hoạch triển khai Luật Lâm nghiệp, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình thực hiện Luật Lâm nghiệp phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng. Tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng chặt phá rừng trái phép, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật và các chủ rừng thiếu trách nhiệm gây ra cháy, phá rừng. Kịp thời thông tin cảnh báo cấp cháy rừng xuống các địa phương, chủ rừng và nhân dân để chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; thường xuyên tuần tra, canh gác và trực tại các chòi canh lửa, các chốt, trạm bảo vệ rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, hậu cần cần thiết để kịp thời chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm; tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất hoạt động công vụ đối với công chức Kiểm lâm toàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm, vi phạm tác phong, lề lối làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan sớm tham mưu, đề xuất củng cố kiện toàn lực lượng Kiểm lâm; sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, tổ chức hoạt động của các Công ty TNHH 2 thành viên lâm nghiệp đi vào hoạt động để thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các công ty lâm nghiệp để rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019 theo tinh thần Chỉ thị số 9644/CT-BNN-TCLN ngày 12/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Sở Nội vụ: Chủ trì, khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng đảm bảo bổ sung đủ số cán bộ Kiểm lâm còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2018, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 249-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tổ chức bộ máy của các Công ty TNHH 2 thành viên Lâm nghiệp.
Công an tỉnh: Tiếp tục phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và PCCCR; chỉ đạo lực lượng Công an khẩn trương điều tra, xác minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự, để truy tố trước pháp luật các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả công tác phối hợp theo các nội dung được quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, sớm phân bổ các nguồn vốn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo kế hoạch và thời vụ trồng rừng.
UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chỉ đạo tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động các chủ rừng và nhân dân tích cực thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo phân cấp tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; đặc biệt là nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, lấy kết quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là căn cứ phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm; đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với đảng viên vi phạm hoặc để người thân thích vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chỉ đạo tăng cường tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng và các hành vi vi phạm khác; khi xảy ra các vụ vi phạm, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đối tương vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng, yêu cầu các địa phương thực hiện xong việc xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ và phát triển rừng đối với diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý trong năm 2018; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng. Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là thông tin về những vụ vi phạm để kịp thời có biện pháp xử lý.
Đối với các chủ rừng: Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp; đặc biệt là các chủ rừng có diện tích rừng lớn phải xây dựng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và bố trí kinh phí cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Ngoài việc quản lý tốt diện tích rừng được giao, tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng cộng đồng, chủ động thông tin, tố giác các đối tượng có hành vi phá rừng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Các Sở, ngành, thành viên BCĐ tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Mặt trận tổ quốc và các Tổ chức CT-XH: Phát huy vai trò giám sát, tiếp tục phối với với các sở, ngành thành viên BCĐ tỉnh và UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, thành viên tham gia vào các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang: Tiếp tục tăng cường đăng, phát tin, bài, chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những gương điển hình để các địa phương học tập.
Tại Hội nghị đã có 5 tập thể, 6 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2018.
TRANG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG
Đơn vị chủ quản: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang
Chịu trách nhiệm chính: Nguyễn Văn Khái - Giám đốc Sở
Điện thoại: (0204) 3.854 693; Fax: (0204) 3.855698; Email: so_nnptnt_vt@bacgiang.gov.vn
Địa chỉ: Tòa nhà khối liên cơ quan - Khu liên cơ quan - Quảng trường 3-2 - TP. Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang