Yên Thế: Chủ động một số biện pháp chống nắng nóng, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm
Ngày đăng:20-06-2018 (627 lượt xem )
Nhằm hạn chế những thiệt hại do nắng nóng kéo dài, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm hiệu quả kinh tế và tổng đàn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế có công văn yêu cầu các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh việc tiêm phòng các loại vắc xin theo kế hoạch, tiêm phòng bổ sung vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở phối hợp với các ban ngành giám sát tình hình dịch bệnh đến từng hộ, đối với chó, mèo nghi mắc dại, tiến hành bắt giữ để tiêu hủy, làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại chợ, điểm kinh doanh… Thường xuyên cập nhật tình hình chăn nuôi, hướng dẫn các hộ thực hiện đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động tiêm phòng, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi, nơi chăn thả. Giao cán bộ chuyên môn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vắc xin đúng quy định, tránh hao hụt, lãng phí. Đài truyền thanh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nắng nóng để người dân hiểu và áp dụng làm theo.
Cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật hiệu quả; cử cán bộ thường xuyên đi cơ sở để giám sát dịch bệnh, đôn đốc việc thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ và khuyến cáo người chăn nuôi một số biện pháp kỹ thuật nên áp dụng như:
- Chủ động che chắn nắng và làm thoáng chuồng nuôi bằng quạt mát, dùng lá cây phủ lên mái chuồng hoặc trồng (phủ mái) một số loại dây leo như dây bìm bịp, hoa giấy, mướp… phun lên mái che làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi.
- Giảm mật độ nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi.
- Phát quang bụi rậm, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh, thu gom phân, rác, chất thải và xử lý đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, giảm ô nhiễm môi trường. Thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng hóa chất Bencocide, Tndine… ít nhất 1 lần/tuần.
- Nên tắm chải cho gia súc 1-2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể, phòng chống các bệnh ngoài da.
- Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Không chăn thả và bắt gia súc làm việc vào những ngày nhiệt độ quá cao, đặc biệt khoảng thời gian từ 10 giờ trưa đến 16 giờ chiều.
- Bổ sung thức ăn xanh như cỏ tươi, củ, quả; khẩu phần ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng; đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, bổ sung chất điện giải Glucose – C và B.complex… tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
- Đối với trang trại chăn nuôi lớn, chủ động bảo đảm đủ nguồn điện năng, mua máy phát điện, dự trữ dầu máy để chạy máy phát điện khi không có điện lưới.
- Nhập giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không bị bệnh; tiêm phòng triệt để các loại vắc xin cho vật nuôi trong diện tiêm; không mua bán giết mổ vật nuôi bị bệnh; gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh cần được xử lý bằng chôn hủy; thông báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi có vật nuôi bị bệnh không rõ nguyên nhân, đặc biệt có dấu hiệu lây lan.